Đứa Con Hai Dòng Máu - Chương 6



Đứa Con Hai Dòng Máu
Tác giả: Nguyễn Vạn Lý
Chương 6
Tháng Tám vẫn tiếp tục nóng đến nỗi người già trong thành phố phải tuyên bố rằng đó là hậu quả của hai trái bom nguyên tử ném xuống Trường Kỳ và Quang Đảo. Vào ngày 16 thắng Tám thì những đám lửa được đốt lên về ban đêm tại núi Daimonjii bên trên Kyoto, trời nóng đến nỗi ngay những người chăm sóc ngọn lửa cũng không thể tìm ra được làn gió mát.
Bác sĩ Sơn Điền quá mệt mỏi. Bệnh viện bỗng nhiên đông đầy bệnh nhân với những vết thương cũ chưa khỏi từ hai thành phố bị ném bom nguyên tử. Danh tiếng của ông đã được truyền miệng rất nhanh, và những người chưa khỏi bệnh tìm tới ông trong một hy vọng cuối cùng. Ông đã hết sức cố gắng cứu chữa bệnh nhân, và càng ngày ông càng căm giận người Mỹ.
Trong cái nóng mỗi ngày một nóng hơn, ông bị đau mất vài ngày và bắt buộc phải nghỉ ở nhà. Ông biết ông là một bệnh nhân tệ nhất, và mặc dù ông chống lại sự bồn chồn, ông cũng không thể nằm trong giường được; ông cố gắng tìm sự bằng an qua trầm tư mặc tưởng, và thưởng thức cái đẹp của khu vườn. Tuy nhiên ngay cả khu vườn cũng bị ảnh hưởng bởi mùa nóng. Thay vì được ngắm vẻ đẹp của vườn, ông chỉ thấy thác nước yếu đi vì khẩu phần nước bị cắt giảm, những cây dương sỉ khô vàng đi, cá vàng chết trong ao vì quá đuối sức khi mặt trời làm nước quá nóng.
Một hôm trong lúc bực mình, ông nghe thấy tiếng chuông cửa reo liên tục. Người gác cổng chắc là ngủ gật, và mặc dù bác sĩ Sơn Điền không cảm thấy khoẻ, ông cũng cố bước ra mở cổng. Trước cổng là một quân nhân Mỹ cao lớn.
Bác sĩ Sơn Điền nhìn người khách lạ chằm chằm. Ông hỏi, "Ông muốn gì?"
Người quân nhân Mỹ hỏi, "Ông là bác sĩ Sơn Điền?"
"Phải, chính tôi đây."
Ông nhíu mày với mục đích làm nản lòng người quân nhân Mỹ. Nhưng người này sao cứ sấn sổ vào nhà tư của người ta?
"Tôi là James Peterson."
Cái tên ấy vẫn còn rõ ràng trong óc bác sĩ Sơn Điền. Ông cố quên đi mà không được.
Ông khó chịu nói, "Tôi không quen biết ông."
Người ấy cười. "Không, nhưng tôi đã gặp con gái ông."
"Con gái tôi không tự do gặp ông."
"Tôi xin nói chuyện với ông được không, bác sĩ Sơn Điền?"
Bác sĩ Sơn Điền không trả lời ngaỵ Óc ông đang tìm lý do để từ chối. Một sĩ quan chắc chắn là không chịu bị từ chối một cách dễ dàng.
Ông nói, "Tôi không được khoẻ. Nếu không tôi đã ở bệnh viện rồi. Tôi không muốn bị quấy rầy."
Hai người nhìn thẳng mặt nhau, dò xét đối phương.
"Nếu thế thì lần khác vậy."
Bác sĩ Sơn Điền cao giọng trả lời, "Điều ấy không cần thiết."
"Tôi nghĩ rất cần thiết. Thực ra, tôi nhất định đó là việc cần thiết."
Chàng kinh hoàng cảm thấy sự tức giận trên bộ mặt Nhật Bản đẹp đẽ này. Ông ta có quyền gì không cho chàng vào nhà ông tả Đây là nhà của Dục Thủy. Chàng không quên rằng đây là Nhật Bản, và người Nhật thuộc quyền người Mỹ.
Bác sĩ Sơn Điền trả lời với vẻ trang nghiêm bình tĩnh, "Ông không thể quyết định như thế."
James Peterson cãi lại. "Tôi nhất định gặp con gái ông."
Tính nóng nảy của bác si Sơn Điền không còn kiềm chế được nữa. Ông nhận thức điều này trong ông như là kết quả của những năm sống tại Hoa Kỳ, tại đó ông không có sự giáo dục đúng cho tuổi trẻ hoặc tại trường học để tự kiềm chế. Nhưng đã quá trễ. Ông không còn dằn được cơn nóng giận, không những giận người quân nhân Mỹ này, mà còn giận ông không thể nào là một người Nhật Bản hoàn toàn.
Ông la tọ "Tôi không cho phép người Mỹ vào nhà tôi," và ông cố đóng mạnh cổng lại.
Trong con người của James cũng có một sự phức tạp nữa. Mặc dù chàng thành thực không thích là người thuộc cái giống chinh phục, nhưng hậu quả của nó đã ăn sâu vào người chàng. Chàng không cho phép nhắc nhở bác sĩ Sơn Điền quyền hạn của chàng, nhưng chàng dùng vai chặn cổng lại. Thực là nhục nhã cho cả hai người, cùng cảm thấy thế và cùng chống lại nhau, người Nhật cố đóng cổng, và người Mỹ bắt phải mở cổng.
Cái phần của căn nhà gần cổng nhất là nhà bếp, tại đó Nhu Mị đang ngủ ngon lành sau khi rửa xong bát đĩa bữa trưa, và đã quét nhà. Nó bỗng giật mình thức giấc nghe thấy tiếng nói to tiếng bằng ngôn ngũ của người ngoại quốc chiến thắng, và nó chạy ra cửa. Bây giờ nó kinh hoàng trông thấy chủ nhân cố gắng đóng cổng chống lại một sĩ quan Mỹ trẻ và mạnh mẽ. Nó la hét lên và chạy khắp nhà tìm bà chủ.
Bà Sơn Điền và Dục Thủy đang ngồi với nhau, may quần áo cho hôn lễ. Nhu Mị lao vào giữa sự bình thản này.
"Thưa bà chủ! Ông chủ đang đánh nhau với một sĩ quan Mỹ!"
Bà Sơn Điền đứng vùng dậy và chạy vội ra khỏi phòng. Nhu Mị chạy theo.
Dục Thủy ngồi im lặng. Nàng biết ngay James đã trở lại, và thật là xui xẻo quá! Tại sao chàng tới cổng nhà nàng? Tại sao chàng không viết thư cho nàng? Nhưng nàng không thể ngồi lại trong phòng nữa. Dù bất cứ trận đánh nào, nàng cũng phải tham dự hoặc là vãn hồi hoà bình.
Vì thế James Peterson trông thấy người yêu, một người con gái mảnh mai, đi ra với chàng, mặc một chiếc kimono xanh thêu hoa trắng, và đẹp không thể ngờ được. Mặt nàng hơi tái và cầu khẩn. Bây giờ chàng đã ở bên trong cổng, và đi lại gặp nàng.
Bác sĩ Sơn Điền đứng mệt nhoài, hai môi mím lại. Trước mặt ông, bà Sơn Điền và Nhu Mị đứng như những vệ sĩ cho ông. Ông đã thất bại. Ông trông thấy con gái nao núng và bỗng nàng rơi vào vòng tay của người Mỹ. Quả thực nàng vùng vẫy, nhưng ông biết là tại vì sự hiện diện của ông, vợ Ông và người đầy tớ gái. Nếu con gái ông ở một mình, ông tin rằng nàng sẽ không có một sự vùng vẫy kháng cự nào. Ông biết ông đã mất con gái. Bây giờ phần còn lại là tìm một giải pháp.
Ông quay về người vợ trung thành. "Dẫn con gái bà vào gặp tôi." Ông ra lệnh và bước vào nhà với vẻ uy nghi trang trọng.
Trước hết ông cần vài phút ở một mình. Ông vẫn quyết tâm đuổi tên Mỹ này. Điều ấy cũng không khó khăn gì. Ông chỉ cần đòi hỏi ý định đích thực của hắn. Ông không tin rằng hắn muốn một điều gì danh dự. Người Mỹ không muốn lấy vợ Nhật. Ông biết thế và ông có bằng chứng như thế. Nếu cần ông sẽ trình bày bằng chứng của ông. Tuy nhiên ông làm thế nào có thể trưng bày bằng chứng trước sự hiện diện của vợ Ông được? Ông càu nhàu và ngồi xuống một cái gối thấp, hai chân gập lại.
Ông ngồi chờ sẵn khi mọi người vào trong nhà. Người thanh niên Mỹ khá lịch sự. "Thưa bác sĩ Sơn Điền, tôi thực tình rất hối tiếc. Tôi không biết tại sao tôi hành động như vậy. Tôi thực tình không có quyền áp đặt bác sĩ."
Bác sĩ Sơn Điền không trả lời. Ông chỉ tay vào một cái gối dành cho khách, thích thú khi người khách không ngồi ngay ngắn được. Ông cho phép Dục Thủy đứng và cau mày với Nhu Mị để nó đi ra khỏi phòng. Bà Sơn Điên kín đáo quỳ sau lưng chồng.
Người thanh niên Mỹ bất thần đứng dậy. Không phải vì chân vướng víu, mà muốn nhường chỗ cho Dục Thủy.
Chàng khẽ hỏi, "Em ngồi đâu?"
Dục Thủy bối rối năn nỉ, "Xin đừng nghĩ tới em."
Chàng trả lời, "Anh phải nghĩ tới em chứ."
"Ngồi xuống!" Bác sĩ Sơn Điền quát lên với con gái.
Nàng quỳ xuống bên cạnh mẹ, và James ngồi xuống, một cách khó khăn trên chiếc gối.
Bác sĩ Sơn Điền chợ đợi. Để cho hắn tự nói trước. Ông không phải là người muốn cuộc gặp gỡ này. Ông rất buồn phiền. Và đồng thời ông muốn rằng, khi vấn đề được đặt ra, ông sẽ sáng suốt, kiên nhẫn nhưng tàn nhẫn.
"Thưa ba," Dục Thủy bắt đầu với giọng nhút nhát.
Ngay lập tức ông nhăn mặt với nàng một cách nghiêm dữ đến nỗi nàng dừng lại.
Chàng thanh niên Mỹ vội bênh nàng. "Dục Thủy, em không cần phải nói. Chính anh mới là người phải nói."
Vì thế James bắt buộc phải lên tiếng. Khi chàng tới Kyoto ngày hôm nay, chàng rất bối rối. Sự sáng tỏ duy nhất đối với chàng là chàng phải gặp Dục Thủy một lần nữa để phán đoán xem chàng yêu nàng sâu xa đến mức nào, và liệu chàng có thể chịu đựng được sự chia tay với nàng không. Bây giờ chàng biết chàng không thể xa nàng được nữa rồi. Chàng đã bắt buộc phải quyết định, một phần vì sự giằng co với cha nàng, nhưng thực sự là cái hình ảnh xanh tái và đẹp đến mềm lòng của khuôn mặt nàng.
Bác sĩ Sơn Điền lạnh lùng hỏi, "Hãy nói đi. Tôi muốn biết tại sao anh tới đây?"
"Tôi tới để thăm con gái ông."
Bác sĩ Sơn Điền quay sang Dục Thủy. "Con có quen biết người này không?"
"Chúng tôi biết nhau," James Peterson vội nói. Rồi chàng dễ dàng kể lại câu chuyện ngắn về sự quen biết giữa hai người, và chỉ sau vài giờ hai người đồng ý chia tay.
Bác sĩ Sơn Điền hỏi, "Vậy thì tại sao anh trở lại?"
"Bởi vì tôi biết tôi đã quá yêu con gái ông."
Bác si Sơn Điền tàn nhẫn. "Anh không thể yêu nó được! Nó đã hứa hôn với con trai của người bạn tôi, ông Mạc Sầu. Hai tuần nữa sẽ đám cưới."
Chàng thanh niên ngồi im lặng một giây lát. Rồi chàng quay sang Dục Thủy, "Chuyện ấy đúng không?"
Nàng gật đầu và bắt đầu khóc.
Chàng nói, "Phải chi em nói cho anh biết."
Chàng ngồi một lúc lâu hơn trong sự im lặng suy tưởng. Rồi chàng lại nói với nàng. "Dục Thủy, anh biết anh không thể gặp riêng em được. Vì thế anh phải nói với em như thể chúng ta chỉ có một mình, và anh yêu cầu em trả lời anh cùng một cách như vậy. Em có yêu người đàn ông em đã đính hôn không?"
Nàng khẽ nói, "Không, nhưng anh ta là một người rất tốt."
"Dục Thủy, hãy trả lời anh thành thực một lần nữa. Em có yêu anh không?"
Nàng ngẩng mặt lên, khuôn mặt đầm đià nước mắt. "Có, em yêu anh, anh James Peterson!"
"Vậy thì em có chịu lấy anh không?"
Bác sĩ Sơn Điền nghĩ phương pháp của người Mỹ bao giờ cũng tấn công, một cuộc tấn công vĩnh viễn! Ông tuyên bố, "Sự hứa hôn không thể hủy bỏ được. Không có tại Nhật Bản."
James hỏi, "Thưa ông, giả dụ hai người quyết định không muốn lấy nhau nữa thì hôn ước có thể hủy bỏ, theo luật của nước Nhật Bản tân tiến hiện naỵ"
Bác sĩ Sơn Điền rung lên. Ông đằng hắng, đặt một tay lên đầu gối và nhìn xuống sàn nhà trước mặt chàng. "Tôi muốn cho anh biết một chuyện này."
Dục Thủy năn nỉ, "Xin ba đừng."
Bác sĩ Sơn Điền nói bằng một giọng căng thẳng. "Đây là chuyện tôi chưa hề nói cho bất cứ ai biết. Tôi cũng chưa kể cho vợ tôi biết." Ông cúi liếc nhìn người đàn bà nhu mì hiền hậu quỳ sau lưng ông. "Hạ Mỹ, xin lỗi bà! Tôi chưa bao giờ nói cho bà biết. Tôi đã quên chuyện này nhiều năm rồi. Bây giờ tôi nhớ lại chỉ vì con gái của chúng tạ"
Bà Sơn Điền thì thầm. "Xin ông đừng nghĩ tới tôi."
Rồi ông bắt đầu. "Dục Thủy, đứa con duy nhất của bạ Con không thể kết hôn với người Mỹ được. Ba nhận thấy thế vì ba đã biết. Có thể anh ta yêu con thực lòng, hoặc là con yêu anh tạ Nhưng tình yêu không có sự khôn ngoan. Nó chỉ là một xúc cảm. Xúc cảm sẽ qua mau, và cuộc đời vẫn tiếp tục."
Ông nói bằng giọng trầm buồn nghiêm trọng làm mọi người phải lắng nghe. Sự im lặng quá sâu xa trong căn nhà đến nỗi những tiếng động nhỏ thường không nghe thấy, bây giờ nghe rõ ràng, tiếng ve sầu ngân dài đậu trên một cành cây, một con chim hót, tiếng chảy của thác nưóc bỗng nhiên nghe rõ hơn.
Bác sĩ Sơn Điên đau khổ nói, "Khi tôi là một thanh niên tại Hoa Kỳ, tôi yêu một cô gái Mỹ. Tôi có thể nói cô ta cũng yêu tôi nữa. Chúng tôi thú nhận tình yêu với nhau. Cha mẹ tôi phản đối, nhưng tôi được nuôi dưỡng như người Mỹ và tôi cảm thấy cha mẹ tôi không có quyền từ chối cái mà tôi muốn với tất cả trái tim."
Bà Sơn Điền bỗng nhiên ngồi cứng người lại. Bà chăm chú nhìn hai bàn tay của bà chắp lại. Bác sĩ Sơn Điền không nhìn vợ.
Dục Thủy hổn hển kêu lên. "Ôi, mẹ Ơi!"
Cha nàng vẫn tiếp tục. Ông nói bằng giọng lạnh lùng đều đều. "Tôi sửa soạn bỏ tất cả mọi thứ. Tôi sẵn sàng bỏ cả cha mẹ. Nhưng rồi có chuyện xảy ra. Anh của người con gái Mỹ ấy dùng súng hăm dọa tôi. Chuyện xảy ra vào một đêm khi tôi ở đại học về nhà trễ. Làm sao anh ta biết tôi đi lối ấy? Người con gái Mỹ chắc đã bảo cho người anh biết thế. Hắn dí súng vào sườn tôi và nói, "Mày hãy nghe đây. Mày phải xa lánh em gái tao! Chúng tao không muốn một tên Nhật Bản khốn nạn nào trong gia đình!" Đấy là lời hắn nói. Tôi không bao giờ gặp lại người con gái Mỹ ấy nữa."
James hỏi, "Chuyện có vậy thôi à?"
Bác sĩ Sơn Điền nóng nảy hỏi, "Tại sao anh hỏi chỉ có vậy thôi? Đó là tất cả đời tôi trong thời gian ấy. Nó cũng là tất cả cho tôi bây giờ." Ông vung tay, chỉ ngón tay vào mặt chàng. "Để tôi nói cho anh biết. Chuyện ấy sẽ xảy ra cho con gái tôi."
James nói một cách ngỗ ngược. "Gia đình tôi không dùng súng hăm dọa ai cả."
Bác sĩ Sơn Điền nhấn mạnh. "Sẽ xảy ra y như vậy. Không cần phải dùng súng, mà sẽ là một cái gì khác. Họ sẽ không bao giờ muốn có một người Nhật khốn nạn trong gia đình họ. Tôi nói cho anh biết như thế!"
James nói một cách thiện cảm. "Tôi hiểu cảm nghĩ của ông. Nhưng thưa bác sĩ, đó là chuyện đã lâu lắm rồi, trước khi Dục Thủy ra đời. Bây giờ sự việc khác hẳn rồi."
Bác sĩ Sơn Điền nói lớn tiếng. "Hà, tôi đọc báo chí. Không có gì khác trước cả. Nhiều tiểu bang không cho phép hôn nhân giữa người da trắng và người da mầu. Hãy cho tôi biết, gia đình anh có chịu ngồi chung bàn với họ không?"
James có vẻ giật mình. "Tôi không nghĩ Dục Thủy là người da mầu."
Má Dục Thủy đỏ bừng. Nàng bỗng lên tiếng. "Con sẽ nói chuyện riêng với James Peterson. Bây giờ mọi chuyện đều khó hiểu. Thưa ba, trước hết chúng con phải rõ ràng với chính mình."
Nàng đứng dậy một cách quả quyết đến nỗi cha nàng không dám chặn nàng lại, và có lẽ ông sẽ không chặn nàng, dù ông có thể. Hãy để chúng nó ra vườn nói chuyện. Những người trẻ tuổi bao giờ cũng phải nói chuyện. Nhưng ông đã nói ra cái bí mật chua chát của đời ông. Mọi người không bao giờ quên chuyện này.
Thế là hai người tình trẻ bỏ ông lại với bà vợ. Bà vợ vẫn tiếp tục ngồi không nhúc nhích. Khi liếc ngang, ông nhìn thấy trước hết là hai bàn tay nắm chặt của vợ, và có vẻ run rẩy. Ông đưa tay ra, đặt lên tay bà và nói, "Tôi rất trân trọng cái ngày tôi nhìn thấy ảnh bà. Ngay cái lúc tôi nhìn thấy bà, tôi biết bà là một người vợ tốt, mặc dù tấm ảnh không rõ lắm, và không tươi tỉnh như bà bên ngoài. Bà vẫn là cái kho tàng quý báu của tôi. Cuộc đời tôi sẽ khốn nạn biết bao nếu số phận tôi đi một con đường khác! Tôi có thể cám ơn cái tên khốn nạn dữ dằn ấy đã dí súng vào sườn tôi."
Bà cố gắng không khóc. Bà nói một cách trung thành. "Tôi biết ông không sợ hắn đâu."
Bác sĩ Sơn Điền nói, "Tôi sợ. Tôi rút lui ngay lập tức; tôi đã bảo đảm với hắn rằng tôi sẽ không lấy em gái hắn trong bất cứ trường hợp nào. Sự thực là như thế."
Bà vợ năn nỉ, "Xin hãy quên đị" Bà khẽ rút tay ra khỏi tay ông, và lau mắt bằng ống tay áo. "Bây giờ chúng ta sống trong nước của chúng ta rồi. Không cần phải nhớ đến những chuyện ấy nữa."
Ông nói, "Bà nói đúng. Nhưng bà thấy tôi phải kể cái mà tôi đã quên rồi."
Bà năn nỉ, "Xin ông."
Ông nói một cách dai dẳng. "Nếu tôi không quên thì tôi đã kể cho bà từ lâu rồi."
Bà không còn chịu đựng được cái giây phút ấy nữa. Bà duyên dáng đứng đậy, mặc dù đôi ống chân cong, và cúi chào chồng. Bà khẽ nói, "Xin lỗi, tôi có việc phải làm."
Bà ra khỏi phòng trên đôi giầy đế mềm, tới cái phòng bà và Dục Thủy đang may vá. Bà cầm lên mảnh lụa trắng mỏng, và bắt đầu may, cẩn thận lau nước mắt mỗi khi nước mắt tràn đầy, sợ nước mắt rơi xuống làm hoen ố tấm lụa. Bà chưa bao giờ là một người con gái đẹp. Bà nhớ rõ bà lắm, một người con gái nhà quê chắc nịch, mặt vuông và rám nắng. Ông không phải là người đã chọn bà. Cha mẹ Ông đã chọn bà, vì bà trông mạnh mẽ và vâng lời, nhưng ông bị thương tổn bởi mối tình tan vỡ, đã không cần biết bà như thế nào. Bỗng bà bỏ kim xuống. Cái áo này có lẽ không cần may nữa, thế thì may làm gì?
° ° °
Ở ngoài vườn, hai người trẻ tuổi ngồi sau khóm trúc; vào mùa này trúc rất dầy. Ngồi bên nhau trên chiếc băng ghế gỗ, hai người ôm nhau, nỗi đau thương hấp hối của hai người đã được lành lặn. Chàng không thể giả vờ hiểu bản chất tình yêu của chàng. Chàng chỉ biết rằng chàng yêu nàng như chàng chưa bao giờ yêu như thế, và dù thế nào, chàng phải vượt qua để chiếm lấy nàng.
Chàng thì thầm trên môi nàng. "Em biết em không thể lấy ai được, ngoài anh rạ"
Nàng vội nói, "Bây giờ em biết rồi."
Chàng thở dài. "Chúng ta sẽ bỏ trốn. Dục Thủy, em là người Mỹ. Chúng ta cư xử như người Mỹ. Chúng ta không cần phải vâng lời như thể chúng ta là con nít."
Dục Thủy cương quyết nói, "Không, chúng ta không được bỏ trốn." Nàng choàng tay ôm lấy eo chàng, và nghiêng đầu để có thể trông thấy chàng. "Anh không biết Hòa Lang Mạc Sầu. Anh ta thực là tốt. Em sẽ nói với anh ta một cách danh dự. Anh ta sẽ hiểu."
Chàng ao ước phải chi Hoà Lang là người không tốt. Sẽ dễ đem Dục Thủy đi từ một người Nhật cũng cổ như cha nàng.
Chàng bất thần nói, "Anh không muốn gặp người đàn ông ấy."
Nàng năn nỉ. "Xin anh để mặc em lo chuyện này. Em phải nói chuyện với ba mẹ em. Chúng ta phải vâng lời ba mẹ trong mọi vấn đề nhỏ bé, anh hiểu không, James Peterson?"
"Này Dục Thủy, em không được gọi anh như thế. Chỉ gọi James thôi, nghe chưa?"
"James," nàng nhắc lại, và tiếp tục như thể chàng chưa ngắt lời nàng. "Trong vấn đề lớn, chúng ta không thể vâng lời ba em được. Chúng ta không thể xa nhau. Nhưng khi ba em thấy thế, và em sẽ làm cho ba thấy như thế, thì chính chúng ta có bổn phận phải nhường ba em."
Chàng đã sẵn sàng nhượng bộ, vì chàng đã quyết định hôn nhân rồi. "Bất cứ em muốn gì cũng được. Nhưng phải làm ngay!"
Nàng tựa đầu vào ngực chàng, và nhắc lại lời chàng, "Nhưng phải làm ngaỵ"
Lạ lùng là khi làm một quyết định lớn như thế, hai người không thể tiếp tục hành động âu yếm. Hai người lo lắng ngồi sát nhau, chàng đùa nghịch bàn tay nàng như thể bàn tay ấy là một món đồ chơi, mà không hề nghĩ gì đến bàn tay ấy. Chàng bỗng nhận thức được những vấn đề quá lớn, lớn như thế nào chàng không biết, từ chỗ hai người ngồi đây trong một khu vườn yên tĩnh tại Nhật Bản, bắc cầu qua một đại dương, tập trung vào một căn nhà màu trắng tại quê nhà. Gia đình chàng nghĩ thế nào. Chàng quyết định không cho gia đình biết. Chàng sẽ chờ đợi cho gia đình trông thấy Dục Thủy trước. Đây không phải là vấn đề có thể bàn cãi được. Gia đình chàng phải trông thấy người con gái đáng yêu quý này, một người con gái dịu dàng khả ái, một người tuy dịu dàng ngọt ngào, nhưng lại có một nội tâm rất mạnh. Nàng cũng là một con người đam mê nữa, mặc dù còn quá trẻ, và đây là điều duy nhất làm chàng lo lắng. Nhưng nàng rất can đảm. Chàng có thể tưởng tượng nàng gặp mẹ chàng trong cái dáng vẻ dịu dàng kiêu hãnh và ngoan ngoãn quả quyết. Không ai có thể không thích nàng.
Vì thế chàng giấu Dục Thủy những hoài nghi của chàng, không phải những hoài nghi về nàng hoặc về chàng, mà là hoài nghi của chính đời sống, những khuôn mẫu mà hai người sẽ phải phá bỏ. Nhưng hai người còn quá trẻ và mạnh mẽ, và ngày nay biết bao khuôn mẫu đã bị phá bỏ. Nhiều người Mỹ khác cũng đã kết hôn với phụ nữ Nhật Bản và đem họ về quê hương. Một số hôn nhân đã thành công, và một số khác thất bại. Không có lý do gì khiến cho hôn nhân của hai người thất bại, nếu họ có lòng can đảm. Nhưng chàng không muốn làm tâm trí nàng bận bịu vì những lo nghĩ này. Nàng đã có quá đủ để phấn đấu với gia đình nàng, và với vụ hứa hôn phải chấm dứt mau lẹ. Chàng không thể chịu đựng được ý nghĩ nàng đã hứa hôn với một người đàn ông khác.
Bỗng chàng hỏi, "Tại sao em hứa hôn với một người khác?"
Nàng hỏi lại, "Tại sao không? Tại Nhật Bản em phải lấy một người nào chứ. James, anh đâu có hỏi cưới em."
Dĩ nhiên đây là lỗi của chàng, và chàng không quên được điều ấy.
Chàng bồn chồn hỏi, "Khi nào chúng ta kết hôn được?"
Nàng thở dài. "Làm thế nào bây giờ? Trước hết em phải nói chuyện với Hòa Lang. Anh ta sẽ làm mọi điều một cách tốt đẹp nhất."
Chàng đứng dậy. "Hừ, anh rất ghét để em phải lo mọi chuyện - anh đành phải thế vậy. Anh không hiểu chuyện này bằng em."
Nhưng chàng bỗng cảm thấy ghen. "Chắc là em thích lấy người Nhật? Mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn."
Nàng đặt tay lên môi chàng. "Im! Anh vừa bảo em là một người Mỹ. Nếu thế, thì em muốn lấy người Mỹ." Nàng nhìn chàng với tình yêu run rẩy. "Em muốn lấy anh!"
Hai người lại ôm choàng lấy nhau. Nỗi thèm muốn đã lâu dồn dập trong máu chàng, trong nhịp đập của tim chàng. Chàng cảm thấy nghẹn ngào. "Dục Thủy, đừng để lâu quá nhé. Ngày mai anh sẽ lo thu xếp về phía anh. Anh phải báo cho Đại tá biết - nhờ ông ta giúp. Có lẽ chúng ta có thể cắt bỏ được hệ thống hành chánh chậm chạp như rùa. Em ơi, hãy thực hiện ngaỵ Em lo phần ba em- đừng để ông ấy tìm cách hoãn binh."
Nàng kêu lên. "ồ không. Ba em sẽ không làm thế nếu Hòa Lang biết chuyện."
"Nếu vậy anh phải bắt kịp chuyến xe lửa năm giờ. Anh đi mà không có phép, mặc dù cũng chỉ có một ngày thôi."
"Viết thư cho em, James."
"Em cũng phải viết thư cho anh, darling."
"Em tiếc là em viết không haỵ Nhưng em sẽ cố."
Hai người buông nhau ra, nàng lo sợ cha nàng sẽ la mắng từ trong nhà vì hai người nói chuyện quá lâu, và chàng có thể lỡ chuyến xe lửa buổi tối. Một nụ hôn dài, rồi một lần nữa.
"Dục Thủy, em hôn y hệt một người Mỹ chính cống."
"A, anh cũng biết hả?"
"Ngớ ngẩn, bất cứ ai cũng biết nếu đi coi chiếu bóng."
"ồ, phải rồi, nhưng ở đây người ta không được hôn nhau trước công chúng."
"Ở Hoa Kỳ không thế. Hãy viết thư cho anh tối nay, nhớ không Dục Thủy?"
"Em sẽ cố gắng. Nhưng cả anh nữa, anh James."
"Hy vọng em không phiền khi anh đánh máy."
"ồ, không đâu!" Chữ "không" của nàng kép dài ra như một tiếng thở dài.
Hai người chia tay nhau khi nàng đứng lại một mình soi bóng xuống cái ao. Tại sao tình yêu lại có quá nhiều đau buồn như thế? Nàng yêu chàng lắm. Sự việc sẽ tốt đẹp hơn nếu như nàng cũng yêu Hoà Lang, và như thế mọi người đều hài lòng. Nếu nàng không đứng dưới cây tử đằng hoa vào lúc binh sĩ Mỹ đi ngang qua, nàng đã không gặp James, và chàng cũng không gặp nàng, và tất cả sẽ hạnh phúc, và bây giờ thì không thể có hạnh phúc trọn vẹn nữa. Cha mẹ nàng cũng đau lòng vì mối tình đã đem lại cho nàng niềm ngất ngây và đau đớn như thế. Về phía chàng tại Virginia, làm sao nàng biết được? Nhưng nàng sẽ là một người con dâu tốt để họ không thể ghét nàng được.
Cuối cùng nàng bước vào nhà, ngạc nhiên thấy cha nàng không gọi nàng. Nàng không trông thấy ông, và trong vài phút, mẹ nàng bước ra từ phòng ngủ của cha nàng.
Mẹ nàng nói, "Ba con không được khoẻ. Hôm nay là một ngày quá đáng cho ba con. Đừng nói chuyện với ba con tối naỵ Nếu con cần nói gì, thì hãy để mẹ nói cho con."
Mẹ và con gái, hai người đứng ngập ngừng trước mặt nhau. Dục Thủy nghĩ nàng sẽ gây đau đớn hơn nữa; nàng biết nàng sẽ phải làm như thế. Tình yêu là một súc mạnh thúc đẩy đáng sợ, bắt buộc nàng phải đi tới sự tàn ác tột cùng, mặc dù nàng rất ghét sự tàn ác và từng là một đứa con rất ngoan hiền. Và bây giờ nàng phải làm thương tổn cả người mẹ chưa từng nói một lời không tử tế với nàng, một người mà cả kiếp người tận tụy cho gia đình. Lệ tràn trên mắt nàng, và nàng tội nghiệp nhìn mẹ, không nói nên lời.
Chính bà mẹ lên tiếng trước. "Con muốn lấy người Mỹ ấy, phải không?"
"Thưa mẹ vâng. Nhưng thực tình con ước gì con không lấy anh ta! Con ước gì con đừng bao giờ gặp anh tạ Như vậy con sẽ kết hôn với Hòa Lang và con sẽ có hạnh phúc, bởi vì con chưa bao giờ biết một cái gì khác. Dần dần con sẽ yêu Hoà Lang, như mẹ đối với ba vậy. Mẹ chưa bao giờ gặp ba trước, phải không? Con muốn nói trước khi kết hôn."
Mẹ nàng không mỉm cười. Khuôn mặt nhẫn nại của bà không thay đổi. "Thời ấy khác bây giờ. Cuộc đời của mẹ khác hẳn cuộc đời của con. Mẹ chỉ biết vâng lời. Đó là số phận của mẹ."
Dục Thủy kêu lên, "Nhưng mẹ có hạnh phúc mà!"
Bà mẹ trả lời, "Phải. Nhưng hạnh phúc của mẹ đơn giản lắm. Mẹ không mong đợi nhiều vận may như cuộc đời mẹ."
Hai người vẫn đứng, và Dục Thủy đặt tay lên vai mẹ. "Mẹ, mẹ có hiểu con không khi con nói con yêu anh ta nhiều đến nỗi con chỉ làm cái gì con cần phải làm?”
Bà mẹ nhìn nàng với một nỗi buồn kỳ lạ, không nói nên lời được. "Ngày hôm qua có thể mẹ không hiểu. Hôm nay mẹ hiểu."
Bà quay đi chỗ khác, đôi môi tái của bà run rẩy.
Dục Thủy kêu lên. "Mẹ Ơi, đừng. Chuyện đó lâu lắm rồi mà. Ba đã quên rồi."
Bà mẹ tuyên bố bằng một giọng khẽ nhưng căng thẳng. "Ba con chưa quên."
"Đó chỉ là niềm kiêu hãnh bị thương tổn của ba làm ba nhớ lại thôi. Mẹ biết ba kiêu hãnh lắm mà."
Bà mẹ trả lời bằng cùng một giọng nghẹn ngào. "Không phải là lòng kiêu hãnh. Chính là tình yêu của ba con bị thương tổn. Đó là lý do tại sao ba con muốn rời bỏ Hoa Kỳ. Tình yêu tan vỡ của ba con - phải, ba con yêu Hoa Kỳ, và khi bị phản bội, như người con gái Mỹ ấy một lần làm - đó là tình yêu tan vỡ của ba con, bắt đầu khi ba con còn trẻ và lớn lên, cho tới cuối cùng ba con rời bỏ tổ quốc. Hoa Kỳ là tổ quốc của ba con."
Dục Thủy thì thầm. "ồ, mẹ Ơi." Nàng không biết an ủi mẹ thế nào.
Bà mẹ tiếp tục. "Lẽ tự nhiên là con yêu người Mỹ ấy. Và con phải lấy người Mỹ ấy. Con không nên lấy Hòa Lang. Con phải làm cái mà ba con trước kia không thể làm được, và con phải trở về Hoa Kỳ. Mẹ thuộc về đây, tại Nhật Bản này - chỉ mình mẹ thôi. Và mẹ sẽ giúp con toại nguyện."
Lần đầu tiên trong đời, hai người đàn bà ôm lấy nhau và cùng khóc.


Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.

 
Lên Đầu Trang Copyright © 2013 by Truyện Hay| Theme by Platinum Theme- Chỉnh Sửa Bởi KT Nguyễn
Lên Trên